Rau rừng đồ là món ăn được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau nhưng tất cả các loại rau đó đều có chung vị đắng, chua nơi đầu lưỡi. Thông thường, những người Mường chỉ lấy những loại rau mọc quanh nhà như rau mơ, rau má, lá lốt, tía tô, rau lang rừng, hoa và thân chuối, cà rừng… và không thể thiếu đó chính là lá và ngọn đu đủ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh.

Rau rừng đồ có vị chua và đắng đặc trưng. Nguồn: Internet.

Theo cách lý giải của những bậc cao niên người Mường ở Hòa Bình thì xa xưa, nơi đây có nhiều “chướng khí”, vì vậy những người dân ở đây luôn tận dụng những vị thuốc có sẵn trong tự nhiên để phòng thân. Và các loại rau rừng đồ cũng là một trong số các vị thuốc đó bởi theo y lý của người Mường thì những vị rau đắng, chát sẽ có tính nóng và có công dụng chống cảm, chống gió, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các loại rau rừng sau khi hái về thì rửa sạch rồi đồ với ngọn lửa vừa phải. Khi rau đã chín tới, thì mang bày ra đĩa. Món rau đồ ngon là phải giữ được màu xanh của rau rừng, màu trắng của cà và hoa đu đủ. Đồng thời, món ăn phải giữ được vị chát, đắng của các loại rau rừng.

Khi ăn rau rừng đồ nhất định phải có nước chấm lòng cá đi kèm. Nguồn: Internet.

Để món ăn được hoàn hảo, thì nhất định phải có nước chấm lòng cá đi kèm. Nguyên liệu để làm món nước chấm là bộ lòng của những con cá to, theo kinh nghiệm của người Mường thì để nước chấm ngon, thì phải làm từ lòng của con cá chép, cá lăng của hồ Hòa Bình. Lòng cá sau khi làm sạch, sẽ được ướp với ớt, nghệ tươi băm bỏ, quả và lá móc mật, muối hạt…. Điều đặc biệt là phải dùng chính mỡ của con cá đó để xào lòng cá.

Rau rừng đồ thường được người Mường dùng để tiếp đãi khách quý. Nguồn: Internet.

Sau chế biến, nước chấm lòng cá sẽ có màu vàng đậm của nghệ cùng vị béo ngậy của lòng cá. Vị đắng chát của rau rừng hòa quyện với vị béo của lòng cá khiến món ăn độc đáo, hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Ngày nay, rau rừng đồ chấm lòng cá đã trở thành một món ăn độc đáo, được người Mường dùng đễ tiếp đãi khách quý. Món ăn tuy không phải sử dụng những nguyên liệu khan hiếm, khó tìm nhưng lại được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một phần biểu tượng của núi rừng Thung Nai.